Trải qua suốt gần 4 thập niên hội nhập và phát triển cùng dòng nhạc đa dạng của Âu Mỹ tính từ thời điểm đầu thập niên 60, Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất có một nền tân nhạc được pha trộn âm sắc phong phú qua sự kết hợp đầy đủ những âm điệu Rock, Pop v.v…cơ bản đã và đang thịnh hành trên thế giới cùng với những đặc tính sở hữu của dòng nhạc xứ Phù Tang một cách hài hòa và đặc biệt.
Qua đó, giới hoạt động âm nhạc tại Nhật Bản ngoài việc phát huy và duy trì dòng nhạc truyền thống mang tính cách đại biểu cho văn hóa dân tộc là Diễn Ca (Enka), họ còn ứng dụng sự phát triển song hành của kỹ nghệ sản xuất và kỹ thuật điện tử vốn là sở trường nổi tiếng hàng đầu của nền kinh tế Nhật Bản để ứng dụng âm nhạc khiến cho trình độ nền tân nhạc của Phù Tang Tam Đảo lại càng trở nên đặc sắc và sáng tạo hơn về nhạc phẩm lẫn số lượng ca sĩ, ban nhạc, nhạc sĩ, nhạc công v.v…trải đều trên khắp toàn quốc không kém gì Anh Quốc và Hoa Kỳ. Nơi dòng nhạc Folk Song thịnh hành từ đầu thập niên 70 tại Nhật Bản đã chợt xuất hiện một nữ ca sĩ kiêm sáng tác thuộc trường phái Sing Song Writer (tự biên soạn, tự trình diễn) rất được giới yêu nhạc hâm mộ với tài năng sáng tác nổi bật và giọng ca cũng không kém phần thu hút đặc biệt. Đó chính là Nakajima Miyuki.
Nakajima Miyuki chào đời ngày 23 tháng 2 năm 1952 tại thành phố Sapporo của bang Hokkaido, một tỉnh rộng lớn nhất ở miền cực Bắc của Nhật Bản. Tuy xuất thân từ một gia đình danh giá với ông nội từng làm Nghị Trưởng Hội Đồng thành phố Obihiro là nơi sau này gia đình cô chuyển cư đến và người bố là bác sĩ khoa sản phụ, nhưng Nakajima Miyuki đã có một tâm hồn say mê nghệ thuật âm nhạc và thể hiện năng khiếu sáng tác từ thuở còn là một thiếu nữ. Cô đã bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu trình diễn ngay từ thời còn là học sinh trung học cấp 3 ở trường Obihiro Kashiwaba trong chương trình văn nghệ của ngày Lễ Văn Hóa với tác phẩm tự biên “Tusgumi no Uta” (Bài Hát về loại chim Tsugumi). Sau đó, Nakajima Miyuki đã tốt nghiệp trường nữ đại học Fujijoshi về ngành Văn Học môn Quốc Văn. Trong thời kỳ sinh viên, Nakajima Miyuki cũng từng hoạt động trong Câu Lạc Bộ Hội Nghiên Cứu Thông Tin và hợp tác với những thành viên trong ban nhạc Folk của trường đại học Hokkaido. Đây chính là bước khởi đầu cho những sự nghiệp hoạt động về âm nhạc và truyền thông của cô sau này. Vào năm 1972, Nakajima Miyuki đã được giải thưởng xuất sắc với ca khúc “Atashi Tokidoki Omou No” (Thỉnh Thoảng Tôi Suy Tư) khi tham gia Đại Hội Nhạc Folk Toàn Quốc, lúc đó ca khúc này đã được thu âm ra dĩa từ nguồn nhạc chính thức trong phần âm thanh tường trình về buổi đại hội âm nhạc này với số lượng có giới hạn nên ngày nay dĩa nhạc này đã trở nên khan hiếm và có giá bán rất đắt.
Sau đó, cô vẫn tiếp tục những hoạt động âm nhạc với tính cách yêu thích văn nghệ bán chuyên nghiệp và thường xuyên xuất hiện trên nhiều sân khấu văn nghệ tại địa phương nên trước khi chính thức thành danh trên toàn quốc Nakajima Miyuki đã được rất nhiều thính giả hâm mộ lối trình diễn các sáng tác của chính mình qua nghệ thuật rải đàn thùng “tree finger” và độc tấu dương cầm. Với dáng dấp thon gầy và khuôn mặt nhỏ nhắn xinh xắn, hình ảnh của Nakajma Miyuki lại càng được ái mộ nồng nhiệt nơi khán thính giả và trong thời kỳ này đã có khoảng 50 ca khúc do cô tự biên soạn và tự trình diễn.
Sau khi tiếp tục nhận giải thưởng từ tác phẩm “Kizu Tsuita Tsubasa” (Đôi Cánh Thọ Thương) qua cuộc thi có tên là Popular Song Context lần thứ 9 do Hội Chấn Hưng Âm Nhạc Yamaha tổ chức vào tháng 7. 1975, Nakajima Miyuki đã chính thức góp mặt và nổi tiếng trong giới âm nhạc khắp xứ hoa Anh Đào với nhạc khúc “Azami Musume no Rarabai” (Bài Hát Ru Con Của Người Con Gái Mang Tên Loài Hoa Azami) vào tháng 9 cùng năm. Từ đó đến nay, Nakajima Miyuki đã thực hiện được 36 album với vô số ca khúc nổi tiếng qua nhiều chủ đề như: Jidai (Thời Đại), Ruju (Màu Sơn Môi Đỏ), Chijo No Hoshi (Tinh Tú Trên Mặt Đất), Sora To Kimi No Aida Ni (Khoảng Cách Giữa Bầu Trời Và Em), Akujo (Ác Nữ), Sakura La La La (Hoa Anh Đào), Tada Ai No Tame Dake (Chỉ Vì Tình Yêu), Tabibito No Uta (Bài Ca Lữ Khách) v.v…
Tuy thành danh từ năm 1975, nhưng từ đầu thập niên 80 trở đi những nhạc phẩm của Nakajima Miyuki mới thực sự nhận được sự ái mộ nồng nhiệt trên toàn quốc với những ảnh hưởng sâu đậm về triết lý cuộc đời, cảm quan về tình yêu qua tư tưởng vừa lãng mạn vừa hiện thực của lời nhạc và nhất là tuy phần nhiều nhạc khúc của nữ ca sĩ này được biên tác theo chủ đề thất tình trong yêu đương nhưng lại được cảm nhận trong chiều hướng tích cực. Mặt khác, qua những sáng tác đề cao sự cố gắng chịu đựng sự thất bại để vươn lên tìm thấy ánh sáng yêu đời trong cuộc sống của Nakajima Miyuki cũng không kém phần tự tin, lạc quan và thống khoái.
Qua đó nhạc phẩm Jidai (Thời Đại) là một điển hình:
(Tạm dịch):
Dù cho thời đại hôm nay thương đau,
Lệ héo, tủi cay, ngậm cười
Thế nào cũng có ngày vui
Chắc rằng sẽ có nụ cười cùng ta
Vì vậy đừng quá lo ra
Hôm nay hãy để phong ba thổi ầm
Thời đại con tạo xoay vần
Niềm vui nỗi khổ cũng tuần hoàn theo
Những người thắm thiết yêu nhau
Hôm nay tan vỡ, mai sau duyên lành
Những người tiếp bước lữ hành
Chắc rằng sẽ có ngày gần cố hương
Dù hôm nay ngả trên đường
Hãy tin mình sẽ thoát phương hiểm nghèo
Hành trang sứ mạng mang theo
Hôm nay chưa toại, mưa reo lạnh lùng
Thời đại cũng vẫn xoay vần
Chia tay tái ngộ tuần hoàn mà thôi
Hôm nay nếu ngã gục rồi
Cũng là khởi điểm đường đời bước đi
Thời đại tiếp tục cuốn xoay
Chia tay tái ngộ ai hay lúc nào
Dù cho gục ngã thương đau
Cũng là khởi điểm bắt đầu bước đi...
Trên phương diện nhạc tính, Nakajima Miyuki thường chú trọng âm sắc réo rắt bay bổng của tiếng đàn guitar để tạo nên một không gian tập trung sự suy gẫm và lưu luyến, kết hợp với tiếng dương cầm vừa phảng phất vừa xoáy nhọn vào tâm cảm người nghe như là một tác động làm tăng thêm nồng độ cảm xúc nơi lời ca ý nhạc thật tuyệt diệu. Đồng thời nền nhạc cũng được cấu tạo chặt chẽ bởi những hợp âm luân lưu theo một số chu kỳ qui định, thêm phần biến đổi khá kỳ ảo, thỉnh thoảng bật phá lên những nét biến dạng không theo qui tắc thông thường.
Vì vậy, đôi khi cũng có nhiều nhạc khúc tuy mang hồn nhạc u uẩn, âm điệu trầm lắng khó nghe hơn bình thường nhưng vẫn tạo được nét riêng biệt độc đáo nơi nữ ca trứ danh Nhật Bản này, giới bình luận cùng thính giả ái mộ Nakajima Miyuki đều chấp nhận một cách thân thương như là những tâm hồn đồng điệu trong nghệ thuật âm thanh cùng đưa thính giác và nhịp đập con tim về một thế giới “đại đồng” của vườn hoa âm nhạc đầy màu sắc. Danh tiếng của Nakajima Miyuki còn lan rộng đến Âu Mỹ và Á Châu qua những buổi lưu diễn xuất ngoại, đặc biệt là tại Đài Loan trong khoảng đầu thập niên 90 hầu như giới trẻ ở Đài Bắc, Đài Trung, Cao Hùng v.v…đều hâm mộ và tán thưởng tài nghệ của cô, cũng như đã có nhiều ca khúc được chuyển lời thành tiếng Quan Thoại rất thịnh hành thời bấy giờ.
Trong đó có lẽ tác phẩm Ruju (Màu Sơn Môi Đỏ) lấy ý từ lời nhạc Đài Loan và được chuyển ngữ sang lời Việt với tựa đề “Người Tình Mùa Đông”. Ruzu là một tình khúc nói về tâm trạng của một cô gái từ miền quê lên sống tại thành thị, mang theo nhiều kỷ niệm của cuộc tình cùng người ước hẹn trăm năm, và dần dần tuy đã quen với nếp sống mới nhưng vẫn nhớ về kỷ niệm xưa mỗi khi cô dùng lại sơn môi màu đỏ vốn là một trong những kỷ vật của người tình năm xưa trao tặng lúc chia tay.
Riêng về bài hát “Chijo No Hoshi” (Những Tinh Tú Trên Mặt Đất) sáng tác vào năm 2000, đã được đài truyền hình công cộng lớn nhất tại Nhật Bản là NHK (Nippon Hoso Kyokai) chọn làm nhạc chủ đề cho một chương trình phóng sự có tên là “Project X Chosensha Tachi” được trình chiếu liên tục trong một thời gian dài. Đây là một nhạc khúc đặc trưng tiêu biểu cho lối sáng tác về ca từ lẫn nhạc khúc đặc trưng của Nakajima Miyuki với những trường âm liên tục trải dài theo dòng nhạc sinh động, hùng tráng nhưng không kém phần tha thiết qua nội dung nói về thế sự thường tình của con người thường hay theo đuổi những gì xa vời mà không chịu nhận thức những niềm hạnh phúc như là những tinh tú ở ngay trên mặt đất chung quanh mình. Chính vì mang lời nhạc có tính cách hiện thực phổ cập này nên nhạc khúc “Chijo No Hoshi” rất phù hợp với nội dung chương trình phóng sự “Project X Chosensha Tachi” nói trên do đây là những thước phim tài liệu lịch sử cận đại ghi lại các diễn tiến của những nhân vật có sáng kiến về phát minh, những công trình xây dựng, những kế hoạch vĩ đại có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản ngay sau thời kỳ chấm dứt chiến tranh. Hơn nữa, bài hát này còn phản ảnh một cách trung thực về đặc tính của đất nước và con người Nhật Bản vốn là một quần đảo không được sự ưu đãi của thiên nhiên, tài nguyên hầu như không có lại phải gánh chịu nhiều thiên tai như núi lửa, động đất v.v…nhưng người Nhật đã chịu đựng trong tâm thức tự lực tự cường, phát huy sáng kiến, phát triển kinh tế và vươn cao mức sống tiến bộ đến độ thần kỳ đều do họ nhìn đã ra được sự quý giá của những gì ở chung quanh mình để ứng dụng và sáng tạo nơi cuộc sống. “Chijo No Hoshi” mang lời ca như sau
Tạm dịch:
Nhị Thập Bát Tú ẩn phong
Ngân Hà trong cát bụi không xa vời
Mọi người đâu hết cả rồi
Không một lời dặn cùng lời tiễn đưa
Thảo nguyên Thiên Mã sao thưa
Tinh tú Vệ Nữ ban trưa phố phường
Không còn ai để trông chừng
Không ai còn nhớ trên khung đất này
Tinh tú xuất hiện hàng ngày
Con người chỉ biết nhìn hoài trên không
Hỡi đàn chim én tinh thông
Hãy mau chỉ giúp người không biết rằng
Mặt đất vốn có sao trăng
Đó là tinh tú chung quanh thân mình
Trên khe núi có Mộc Tinh
Đáy nước có Thiên Lang Tinh sáng ngời
Mọi người đâu hết cả rồi
Không còn ai để trông coi canh chừng
Họ theo danh vọng tưng bừng
Chạy theo ánh sáng kim ngân đồng tiền
Rốt cuộc chuốc lấy ưu phiền
Giống như băng đá triền miên suốt đời
én ơi chỉ giúp con người
Tinh tú sao sáng bây giờ nơi đâu !…)
Trải qua hơn 40 năm từ khi trở thành “một tinh tú trên mặt đất” trên phương diện sáng tác và trình diễn âm nhạc, mãi cho đến nay nữ ca sĩ Nakajima Miyuki vẫn còn tiếp tục những hoạt động bền bỉ và cũng không kém phần xuất sắc nơi các lĩnh vực như: viết tiểu thuyết, phụ trách chương trình truyền thanh, biên soạn nhạc chủ đề cho các vở kịch truyền hình, sinh hoạt văn nghệ thân hữu v.v…
Để đi đến một kết luận tóm gọn về người nữ ca sĩ đặc biệt này xin được đưa ra một kỷ lục: “Tại Nhật Bản, Nakajima Miyuki là ca sĩ duy nhất có 4 nhạc phẩm được xếp thứ hạng Nhất trong bảng xếp hạng Hit Chart liên tiếp qua 4 niên đại: 1. Thập niên 70: Wakare Uta (Biệt Khúc); 2. Thập niên 80: Akujo (Ác Nữ); 3. Thập niên 90: Sora To Kimi No Aida Ni (Khoảng Cách Giữa Bầu Trời Và Em); 4. Thập niên 2000: Chijo No Hoshi (Những Tinh Tú Trên Mặt Đất).
Nguồn: bdu.edu.vn
Recent comments