(Nguồn: GameVN)
...Bắc Âu có một nền âm nhạc tuyệt vời, với cảm hứng vô tận từ thiên nhiên, được những ban nhạc tài ba thể hiện một cách sâu sắc qua âm nhạc. Điều đó thể hiện qua từng giai điệu, âm hưởng của bài hát truyển tải tới người nghe. Folk metal, black metal hay dark metal vốn là đặc trưng của Bắc Âu. Đối với nước Mỹ thì lại khác, âm nhạc lại mang tính kĩ thuật và công nghiệp hơn với sự đa dạng của hàng loạt technical extreme band, trong khi đó những yếu tố nghệ thuật hay thiên nhiên được tối giản. Tuy vậy vẫn có một tên tuổi tới từ Portland, Oregon vẫn chinh phục người nghe bằng thứ âm nhạc đầy giai cảm của mình – Agalloch.
Những khu rừng âm u, những đồi núi bạt ngàn phủ tuyết. Những tiếng rú vang vọng từ rừng xa đến gai người. Gió thét gào cởi mở nỗi lòng tuyệt vọng... Agalloch đã phác họa một bức tranh tuyệt đẹp bằng âm nhạc của mình. Điều tuyệt vời nhất là Agalloch đã mang lại cái thiên nhiên tuyệt vời vào giai điệu gửi gắm tới người nghe - vốn là thế mạnh của những ban nhạc đến từ Bắc Âu. Từ những đoạn acoustic passage rất mộc mạc mà đẹp, cho tới những đoạn heavy distorted của guitar mang nỗi nghẹn ngào. Có rất ít những ban nhạc thể hiện được chất riêng của mình như Agalloch.
Với vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên và âm nhạc, những ca từ của Agalloch cũng gợi lại một chút gì đó thật mỏng manh dễ vỡ, những cung bậc tình cảm của tâm hồn (đa phần là giận dữ, bội tín và thất vọng) hay mùa Đông tượng trưng cho cái chết. Cảm xúc, tâm trạng và bầu âm hưởng được dồn nén chung vào âm nhạc và bộc lộ một cách thuần khiết chân thành nhất cũng từ âm nhạc. Chủ yếu ảnh hưởng từ Scandinavian’s sound (chính Haughm và Walton trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết họ ảnh hưởng từ Katatonia và Ulver). Ban đầu, phần nhiều âm nhạc của Agalloch bắt đầu từ black metal với shrieking vocal, nhưng qua những album và EPs sau này, kết hợp với những yếu tố từ doom, prog hay thậm chí avant-garde thể hiện hoàn chỉnh bộ mặt của Agalloch – atmosphere folk/dark metal.
Và trong mỗi bài hát của mình, độ dài trung bình thường từ 7 – 10 phút, Agalloch đều thể hiện bản chất đặc trưng của mình. Bắt đầu bằng một acoustic passage, sau đó là distorted rhythm guitar làm nền, cùng những đoạn lead điểm vào mượt mà, ngân nga mà đậm giai điệu. Hay đôi khi cũng là những câu solo biểu cảm rất “khớp” với nền nhạc và khiến người nghe có những giây phút thăng hoa giữa cả bài dài. Hoặc cũng có khi là female vocal trong vắt và những đoạn piano du dương. Những yếu tố thiên nhiên cũng góp phần đưa âm thanh của Agalloch trở nên quyến rũ và thanh thoát. Một số nhạc cụ cổ truyền cũng được Agalloch đưa vào ca khúc nhằm tạo ra những âm thanh lạ, ví dụ như hộp sọ của một con hươu, khèn...
Sau hàng loạt những project không thành, rút kinh nghiệm từ những hạn chế thì John Haughm (vocal, guitar) và Shane Breyer (keyboard) như tỉnh cơn mê đã thành lập Agalloch tại Portland, Oregon vào đầu năm 1996. Cái tên bắt nguồn từ tên khoa học của trầm hương (Aquilaria agallocha) cũng rất phù hợp để nói về ban nhạc. Trong đầu năm đó, cả hai đã bắt đầu viết những ca khúc đầu tiên, đến mùa hè cùng năm thì Don Anderson (guitar) tham gia ban nhạc. Vào mùa thu năm đó, demo đầu tiên của Agalloch – From Which Of This Oak được phát hành.
Sớm sau khi From Which Of This Oak được phát hành, thì Jason William Walton (bass) tham gia ban nhạc. Ban nhạc hoàn chỉnh tạo điều kiện cho Agalloch ra đời một số promotional tape vào năm 1998 và được The End Records để mắt tới. Sau khi bắt tay với The End Records, Agalloch thu âm và cho ra đời album Pale Folklore vào năm 1999. So với demo đầu tiên thuần black metal, thì Pale Folklore cho thấy Agalloch đã tích hợp thêm tiền tố folk cũng như neo-classical vào âm nhạc của mình. Sau album này thì Shane Breyer cũng rời khỏi ban nhạc với lí do nghỉ ngơi, không còn hứng thú với âm nhạc.
Những tài nguyên chất chứa chưa được hoàn chỉnh của Agalloch được cho ra đời vào năm 2001 qua EP Of Stone, Wind and Pillor, EP mang tính thể nghiệm, shrieking vocal cũng được giảm dần, đây cũng là sự xuất hiện cuối cùng của Shane Breyer với Agalloch. Tiếp nối là album thứ hai The Mantle (2002), đánh dấu sự xuất hiện của post-rock trong âm nhạc của Agalloch. Ngay sau đó thì những buổi diễn live đầu tiên của Agalloch cũng bắt đầu và tên tuổi của band cũng dần được biết tới.
Giai đoạn 2003-2005 là sự ra đời liên tiếp những EP của Agalloch. Đầu tiên là Tomorrow Will Never Come (2003), tiếp nối là The Grey (2004) đều mang đậm dấu ấn của post-rock trong nền nhạc dark metal/atmospheric folk của Agalloch. Ngoài ra năm 2005 đánh dấu sự hiện diện của split album giữa Agalloch và Nest, riêng track của Nest còn có sự tham gia của Haughm và Anderson. Hai album Pale Folklore và The Mantle cũng được tái phát hành cùng năm.
Sau 3 EPs, Agalloch bắt tay vào thực hiện album thứ ba của mình – Ashes Againist Grain và cho ra đời vào năm 2006. Album này thể hiện nét mới mẻ của Agalloch, giảm bớt những acoustic passage và thay vào đó là tần số electric guitar dày hơn. Hai năm sau đó, EPs The White cũng được phát hành với sự trở lại nhiều hơn của acoustic đặc trưng thời The Mantle.
Qua một thời gian dài với 4 EPs, Agalloch cho ra mắt compilation album The Demonstration Archive ngay sau The White, bao gồm những track từ hai demo From Which Of This Oak và Of Stone, Wind and Pillor. Sắp tới đây thì Agalloch cũng đang trong kế hoạch thực hiện DVD đầu tiên cùng album thứ 4 của mình, dự tính phát hành trong năm 2009 sau tour diễn châu Âu đầu năm nay. Hiện tại thì drummer Chris Greene đã rời khỏi band và thay vào đó là Aesop Dekker.
Recent comments